Sự biến đổi khí hậu của Trái đất đang ngày càng để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với thiên nhiên và với chính xã hội loài người. Tuy nhiên không phải ai cũng biết sự nóng lên toàn cầu có thể tạo ra những hình ảnh đáng sợ mà chúng ta thường thấy trong các bộ phim kinh dị.
1. Băng tan để lộ ra xác ước từ các cuộc chiến tranh trước kia
Nhắc đến băng tan, bạn có thể sẽ nghĩ ngay tới nước biển dâng, hay việc chết dần chết mòn của những con gấu Bắc Cực. Bạn cũng có thể bắt gặp những thứ nằm bên trong lớp băng đang dần dần tan chảy - cái xác được "ướp đá" từ cuộc chiến tranh hàng chục, trăm năm trước.
Trong quá trình tan chảy suốt vài thập kỷ qua, dòng sông băng Presena phía Bắc núi Alps của nước Ý đã để lộ ra một vài vật dụng mà ít ai ngờ tới: quyển nhật ký, thư từ hay khẩu súng cổ xưa... Gần đây hơn, người ta phát hiện ra chủ sở hữu của những vật dụng ấy cũng bị kẹt trong băng.
Dòng sông băng gần giống như một ngôi mộ cho xác ướp của những người lính trong một trận đánh như đã bị quên lãng trong chiến tranh thế giới thứ I giữa Ý và Áo. Đó có thể là cuộc chiến duy nhất trong lịch sử nơi mà nỗi sợ đạn ghim vào hộp sọ của mình không lớn bằng nỗi sợ bị chôn sống bởi một trận tuyết lở.
2. Sự nóng lên toàn cầu làm những virus chết người sống lại
Khi đặt chân tới một vùng đất băng giá vĩnh cửu ở Siberia, các nhà khoa học đã tìm thấy một vài điều thú vị. Đó là Pithovirus - virus lớn nhất từng được phát hiện.
Hình ảnh Pithovirus dưới kính hiển vi.
Loại virus này vốn đã sống sót ở vùng băng này từ thời người Neanderthal còn "lang thang" với những con voi ma mút lông đen, khoảng 30.000 năm trước.
Tuy nhiên, dù virus chết người này đang "hồi sinh", nhưng chúng chỉ thích tấn công sinh vật đơn bào amip. Những nhà nghiên cứu lo ngại rằng, vùng đất băng giá đang tan ra kia có thể sẽ hồi sinh một loại virus khác, chẳng hạn như loại gây ra bệnh đậu mùa hay nhiều sinh vật đơn bào đáng sợ...
3. Nóng lên toàn cầu khiến “nước mũi đá” cản trở đường thủy
Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, sự biến đổi khí hậu sẽ tạo ra hiện tượng "nước mũi đá" gia tăng, gây cản trở hệ thống đường thủy. “Nước mũi đá” là tên gọi dân gian của một loại tảo có tên khoa học Didymosphenia geminata (hay Didymo).
Chúng không mấy "xinh đẹp" với màu xanh vàng, sống bám vào đá, dính dính như chất nhờn của mũi. Loại tảo này có nguồn gốc từ vùng Đông Bắc châu Mỹ, sống trong những vùng nước lạnh, ít chất dinh dưỡng.
Didymo có khuynh hướng sinh sản và lan tràn ngược dòng trong những sông hồ nơi nước cuốn nhanh. Khác với những loài rong nổi trên mặt nước, nó bám chặt vào đá dưới đáy sông hồ. Khi sinh sản có thể lan kín lòng sông và lấy hết dưỡng khí của các loài thủy sinh khác.
“Nước mũi đá” không nguy hại cho sức khỏe con người nhưng khi sinh sản quá nhanh và quá nhiều, tảo vật này sẽ làm nghẽn thủy lộ và làm cạn nguồn nước uống từ sông hồ.
4. Tạo ra những đàn côn trùng hút máu khổng lồ
Bàn về vấn đề “sự nóng lên toàn cầu”, tiến sĩ Alison Blackwell - chuyên gia hàng đầu về muỗi vằn đã đưa ra lời dự đoán: Những mùa đông ướt át và ấm áp hơn sẽ làm số lượng muỗi vằn bùng nổ.
Muỗi vằn vốn là loài bản địa của vùng nhiệt đới và cận nhiệt Đông Nam Á, nhưng trong vài thập kỷ trở lại đây, nhờ vào những thay đổi về nhiệt độ và môi trường sống có lợi, loài này đã từng bước bành trướng khắp một vùng rộng lớn.
Chúng đã "ghé thăm" Bắc - Nam Mỹ, Nhật Bản, châu Phi, Trung Đông, Nam châu Âu và một thời từng lan truyền virus sốt Chikungunya lên nhiều cộng đồng ở châu Âu.
Chiều dài của một cá thể muỗi vằn thường rơi vào quãng từ 2 - 10mm, tùy thuộc vào mật độ ấu trùng và nguồn cung cấp thức ăn. Trên cơ thể loài muỗi xen kẽ những vằn đen, trắng rất dễ nhận biết. Loài muỗi này ưa sống trong các bụi cây, đám cỏ, nơi ẩm ướt và truyền virus Chikungunya từ người sang người qua con đường hút máu.
Tiến sĩ Alison Blackwell nhấn mạnh, thời tiết ấm, ẩm sẽ cung cấp điều kiện hoàn hảo cho việc sinh sôi nảy nở của loài muỗi vằn. Khi đó, liệu rằng chúng ta có thể chống chọi lại được một "ổ hút máu" lớn mạnh và đủ sức nuốt chửng cả thế giới này?
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét