CôngThương - Thống kê từ cơ quan khí tượng cho biết, từ đầu năm đến nay các tỉnh này không có mưa, lượng mưa ít và không đồng đều nên tổng lượng mưa/tháng ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên và 5 tỉnh Tây Nguyên, lượng nước thiếu hụt so với trung bình hàng năm khoảng 10 -30%. Đáng lo ngại, trên một số sông khu vực Tây Nguyên đã xuất hiện mức nước thấp nhất trong chuỗi quan trắc cùng kỳ. Theo dự báo từ cơ quan khí tượng, tình trạng khô hạn, thiếu nước xảy ra gay gắt hơn, rộng hơn ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai... và có khả năng kéo dài tới cuối tháng 4, đầu tháng 5.
Nguy cơ mất trắng nhiều diện tích cây trồng
Kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2013 - 2014 của tỉnh Đắk Lắk là 41.050 héc-ta cây trồng các loại, nhưng đến thời điểm này nông dân đã gieo trồng hơn 47.057 héc-ta, vượt hơn 6.000 héc-ta. Những diện tích vượt kế hoạch lại thường nằm xa vùng cấp nước, nên nguy cơ hạn hán rất cao. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, chỉ mới đầu mùa khô, nhưng diện tích khô hạn đã lên đến 445 héc-ta cây trồng các loại, trong đó có 170 héc-ta lúa và 275 héc-ta ngô. Tại Quảng Ngãi, nông dân các huyện Bình Sơn và Đức Phổ cũng đã phải bỏ hơn 200 héc-ta lúa vụ đông xuân do thiếu nước tưới. Nguy cơ thiếu nước tưới cho hàng chục ngàn héc-ta lúa vụ hè thu tại Quảng Ngãi từ giữa tháng 5 tới là rất lớn. Tại Bình Định, cho đến thời điểm này đã có khoảng 300 héc-ta lúa bị thiếu nước tưới. Trong khi đó, mía là cây trồng chủ lực của bà con nông dân miền núi tỉnh Phú Yên cũng đang bị khô và cháy, khiến thu nhập của người trồng mía giảm sút, thậm chí mất trắng. Theo thống kê sơ bộ, hiện đã có ít nhất 4.000 héc-ta mía trên địa bàn Phú Yên bị khô do nắng hạn, làm giảm năng suất đến 30%. Mía càng khô, nguy cơ cháy càng cao. Trong 2 tháng qua ở các vùng trồng mía, đặc biệt là ở huyện miền núi Sơn Hòa có gần 100 héc-ta mía bị cháy. Trước đó, mía trên 9 chữ đường nông dân bán được 880.000 đồng/tấn, hiện tại mía cháy chỉ còn 780.000 đồng/tấn.
Ở các tỉnh Tây Nguyên, nông dân trồng cà phê cũng đang rất cần nước tưới lần thứ 2 cho vụ cà phê đang canh tác. Hiện nông dân huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước tưới cà phê, ước lượng nước thiếu hụt khoảng 30% so với nhu cầu. Theo thông lệ, lần tưới thứ nhất của vụ cà phê năm nay cách đây một tháng và giờ là thời điểm cần nước tưới cho lần 2 nhưng theo tình hình thời tiết này có khả năng lần tưới thứ 3 (giữa tháng 4 tới) nước sẽ còn khan hiếm hơn.
Bà con cần áp dụng các giải pháp chống hạn
Dự đoán trước tình hình khô hạn năm nay, ngay từ đầu vụ đông xuân 2013 -2014, Sở NN&PTNT các tỉnh đã có hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng. Để hạn chế những rủi ro do thiên tai gây ra đối với cây trồng, Sở NN & PTNT khuyến cáo người dân cần sản xuất theo hướng an toàn và hiệu quả trên cơ sở sử dụng các giống tốt và bố trí phù hợp với khả năng nguồn nước, đất đai nhằm né tránh các điều kiện thời tiết bất lợi, tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với đầu tư thâm canh. Kiên quyết không bố trí kế hoạch gieo cấy lúa nước trên các diện tích hay bị khô hạn trong các vụ trước; xây dựng kế hoạch quản lý nguồn nước hợp lý và tiết kiệm, ưu tiên cho cây cà phê và lúa...
Về thuỷ lợi, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn nước, thay đổi phương thức tưới tiêu (rút ngắn đợt tưới, giảm số lần tưới, giữ ẩm gốc cây). Các loại máy bơm dã chiến và cả những công cụ thủ công như gàu bơm tát của từng gia đình phải được huy động tối đa cho công tác chống hạn. Bà con nông dân cần khoan thêm và sửa chữa các giếng bị hư hỏng để lấy nước. Các tỉnh cần phân loại diện tích gieo trồng, các loại cây để có thứ tự ưu tiên cấp nước. Ở Tây Nguyên cần ưu tiên tưới tiêu cho các loại cây giống, lúa đã và đang trổ bông, cần lập kế hoạch phục hồi sản xuất, đẩy mạnh trồng cây lương thực ngắn ngày như ngô, khoai, sắn, các loại rau màu để có thêm lương thực chống đói trong những ngày giáp hạt.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét